Sinh viên ta lười biếng, không thích tự học, ham vui và giấu dốt

0
0

Thực trạng sinh viên tự học là rất ít

Số sinh viên thực sự chăm học, tự rèn luyện tu dưỡng thì không nhiều, có trường chỉ dưới 10%. Đa số sinh viên mờ nhạt về lý tưởng, không có sự phấn đấu.” 

Thực trạng một bộ phận sinh viên nghiện mạng xã hội, lười đọc sách, lười học tập đã không còn xa lạ.

Trong 5 năm trở lại đây, các trường cao đẳng, đại học dần thay đổi phương thức dạy và học, từ niên chế sang tín chỉ.

Các triết lý làm nền tảng cho đào tạo theo tín chỉ là cá thể hóa việc học tập nhằm phát huy tối đa khả năng tự học và tư duy sáng tạo của sinh viên.

Sinh viên có thể học theo năng lực và điều kiện của riêng mình.

Đồng thời buộc sinh viên phải chủ động, không lệ thuộc vào thầy cô trên lớp cũng như khả năng tự thích nghi và có tinh thần tự học cao.

Tuy nhiên, thực tế sinh viên Việt Nam hiện nay không mấy mặn mà gì với việc “tự học” mà thay vào đó là “tự chơi” nhiều hơn.

Mỗi khi đến mùa thi cử, các quán photo gần những trường cao đẳng, đại học lại rất đắt hàng với việc cung cấp đề cương ôn tập cho sinh viên.

Chuyện sinh viên không chịu đọc sách, trước khi thi một hai tuần, thậm chí là một vài ngày đến các quán photo để “tìm kiến thức” đã không còn xa lạ.

Đáng lo hơn, nhiều người cho rằng việc học lại, thi lại là tất yếu đối với sinh viên.

Với tư tưởng như vậy, một số sinh viên trở nên lười tư duy, lười tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, thụ động trong học tập dẫn đến chây ì, hổng kiến thức.

Căn nguyên của sự lười biếng

Chưa quen với việc tự lập kế hoạch học tập

Phương thức đào tạo tín chỉ giao cho sinh viên quyền chủ động trong việc lên kế hoạch học tập. Sinh viên được lựa chọn môn học, thời gian học và tiến trình phù hợp với bản thân.

Phương thức này cùng đòi hỏi sinh viên phải có ý thức và biết xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu một cách khoa học, có hiệu quả và phù hợp cho mình.

Tuy nhiên, với 12 năm học tập theo hình thức “thầy đọc trò chép”, đa phần các bạn sinh viên gặp phải nhiều khó khăn khi phải tự lập kế hoạch học tập.

Bạn Phạm Thị Thu, sinh viên năm ba Học viện Ngân hàng chia sẻ:

“Khi còn là học sinh, mình không phải lo lắng đến việc học gì và học như thế nào bởi hàng ngày đến lớp đều được các thầy cô chỉ dẫn kỹ lưỡng.

Việc học những môn nào, học phần nào, phần nào sát với đề thi đều được các thầy cô hoạch định sẵn.

Chính vì thế khi mới lên đại học, mình rất hoang mang khi phải tự chọn môn học, tự sắp xếp thời gian và tự nghiên cứu.

Thời gian các thầy cô lên lớp rất ít mà kiến thức thì quá nhiều.

Kỳ học đầu tiên, vì chọn quá nhiều môn và sắp xếp thời gian không hợp lý nên mình đã không đạt được kết quả như mong muốn.”

Đã quen với việc học niên chế nên nhiều sinh viên vẫn có tâm lý ỷ lại, không có ý thức tự học, tự nghiên cứu.

Một số sinh viên chăm chỉ nhưng lại chưa biết cách tự học sao cho khoa học và hiệu quả, dần dần mất phương hướng và có tâm lý chán nản, thậm chí mặc kệ đến đâu thì đến.

Mải mê vui chơi

Một bộ phận sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất coi học đại học là để “xả hơi”, không có mục tiêu, kế hoạch cụ thể.

Chính môi trường mới với nhiều trò vui chơi giải trí đã khiến một số sinh viên vốn là con ngoan trò giỏi trở nên lười biếng, bỏ bê việc học hành.

Và thay vì lên thư viện đọc sách, nhiều sinh viên dành thời gian để lướt Facebook, Zalo hay các trang mạng xã hội khác.

Cơn sốt cuồng like, selfie mọi lúc, đăng status câu like là những gì đang diễn ra trong xã hội “sống ảo”, nơi mà các bạn sinh viên chiếm một phần không nhỏ.

Bên cạnh đó, việc quá hâm mộ thần tượng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của các bạn sinh viên.

Thiếu sự quản thúc

Điều này đặc biệt diễn ra với các sinh viên đi học xa nhà. Khi còn là học sinh, các bạn được gia đình, nhà trường và thầy cô phối hợp để quản lý chuyện học hành.

Nhưng khi bước chân vào đại học, các bạn phải tự lập cả về cuộc sống lẫn việc học hành, từ đó đòi hỏi một tinh thần tự giác rất cao.

Thế nên không phải ai cũng có thể tự đưa mình vào khuôn khổ học hành khi không có sự quản thúc từ gia đình, thầy cô.

Ngại nhờ vả sự giúp đỡ từ phía giáo viên

Ở các nước phương Tây, mối quan hệ giữa giáo viên – học sinh là bình đẳng và thân thiện. Học sinh giao tiếp với giáo viên của mình một cách tự do.

Giáo viên tiếp nhận và đánh giá ý kiến của học sinh mà không hề có bất kỳ thái độ mang tính cá nhân nào.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc giao tiếp giữa giáo viên và học sinh đòi hỏi sự nghiêm túc, tôn trọng lẫn nhau. Sự cởi mở là khá hạn chế.

Do đó, các bạn sinh viên dù gặp khó khăn trong việc học tập nhưng cũng rất ngại đến hỏi giáo viên.

Bên cạnh đó, việc học tín chỉ với nhiều tiết thực hành, tự học, tự nghiên cứu khiến sinh viên ít có cơ hội tiếp xúc với các thầy cô giáo nên càng có tâm lý dè chừng, thậm chí e sợ không dám tìm đến các thầy cô để nhờ chỉ dẫn.

Và việc tự học, nếu không có sự giúp đỡ từ phía các thầy cô thì rất khó để đạt được kết quả tốt nhất.

Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến việc tự học của sinh viên.

Nhưng nguyên nhân cốt lõi không đâu khác chính là bản thân các bạn.

Để chống lại căn bệnh lười biếng, ngại học, mỗi sinh viên cần trang bị cho mình những kế hoạch mà mục tiêu rõ ràng rồi thực hiện chúng một cách nghiêm túc.

Một thái độ tích cực khi học tập là rất cần thiết. Khi bản thân sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc tự học và nghiên cứu thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất.

Nguồn: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sinh-vien-ta-luoi-bieng-khong-thich-tu-hoc-ham-vui-va-giau-dot-post185235.gd

Love
2
Tìm kiếm
Thể loại
Xem thêm
Giáo dục
Sống Tích Đức Để Được Cứu Độ
Trong cuộc sống đầy biến đổi và thử thách này, con người luôn...
Bởi Cùi Bắp Tiên Sinh 2024-08-12 16:14:50 0 0
Quan điểm
Vì sao người bất tài thường nghĩ mình giỏi?
Việc biết mình tài giỏi đến đâu khi so sánh với người khác...
Bởi Cùi Bắp Tiên Sinh 2021-05-03 10:30:02 0 0
Tình cảm
Nói yêu thôi, đừng hứa yêu mãi mãi
Trong tình yêu, có những thứ đừng nên vội trao, nhất là lời hẹn...
Bởi Cùi Bắp Tiên Sinh 2021-07-14 13:52:53 0 0
Thể loại khác
Lời nhắn gửi muộn màng
Hãy trân trọng tình yêu vì tình yêu sẽ trường tồn...
Bởi Cùi Bắp Tiên Sinh 2020-12-08 09:13:44 0 0