-
- EXPLORE
-
-
-
-
-
-
Khổ Đau
Dù ta có tài năng đến đâu, dù ta có chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức
nào, thì những điều bất như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó.
Chỉ là bất như ý
Người ta vẫn thường nói rằng nghèo là khổ, nghèo khổ, chứ ít ai
nói giàu khổ cả. Thật ra, người nghèo có nỗi khổ của người nghèo mà
người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Người nghèo vì không
chấp nhận cái nghèo, oán ghét cái nghèo, muốn được giàu nên mới
khổ. Còn người giàu lại sợ bấy nhiêu tài sản chưa đủ làm người khác
nể phục, sợ bị phá sản, sợ bị kẻ xấu lợi dụng hay hãm hại nên mới
khổ. So ra cái khổ của người giàu còn phức tạp và nan giải hơn người
nghèo. Phải chi trong xã hội ai cũng như ai, ai cũng sở hữu tài sản
như nhau thì chắc chắn ý niệm giàu nghèo sẽ không có. Nhưng điều
ấy không bao giờ là thực tế khi con người ngày càng ưa chuộng vật
chất và xem đó là điều kiện căn bản của hạnh phúc. Cho nên, nếu ta
may mắn không bị cuốn theo quan niệm của xã hội mà thoát ra khỏi ý
niệm giàu nghèo, ta thấy sự hưởng thụ vật chất không phải là lý do
lớn nhất để ta có mặt ở trên cõi đời này, thì chắc chắn ta sẽ không còn
than nghèo khổ nữa.
Người ta cũng thường gộp chung cực với khổ, cực khổ. Nhưng
bản thân của sự cực nhọc chưa chắc đã là khổ. Chỉ vì ta kháng cự lại
nó, ta muốn mình không phải vất vả mà vẫn có đầy đủ mọi thứ tiện
nghi như bao người khác nên ta mới khổ. Ta chỉ biết so sánh, đòi hỏi,
chứ không chịu tìm hiểu căn nguyên sâu xa tại sao mình lại cơ cực.
Chắc ta cũng đã từng chứng kiến, có những người chỉ cần người thân
của họ qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, dù người thân ấy không thể
tiếp tục lao động nữa, thì họ vẫn vui lòng đem hết thân mạng của
mình ra để bảo bọc. Có những người làm công tác cứu hộ, họ biết lao
vào lửa dữ, chui xuống lòng đất, hay đi ngang qua lằn tên mũi đạn sẽ
rất nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng vì tình thương mà họ không hề
xem đó là nỗi khổ. Có người lại cho rằng cái cực tâm trí mới thật là
khổ, vì phải suy tính đủ điều mới gánh vác nổi công việc. Nhưng trong
thời buổi kinh tế suy thoái mà còn có công việc để làm, để suy tính, thì
đã là điều hạnh phúc lắm rồi. Cho nên, cực có trở thành khổ hay
không là tùy vào thái độ của mỗi người.
Điều mà ta thường than thở với nhau nhiều nhất đó là đau khổ,
hễ đau là phải khổ, như là một sự thật không thể thay đổi. Thí dụ, ai
đó tát vào mặt ta một cái có thể làm ta rất đau. Nhưng nếu ta biết
mình có lỗi rất lớn với người ấy và sẵn sàng đón nhận, thì cái tát đó
sẽ không làm ta khổ. Đằng này bằng một thái độ khinh miệt, họ đã
"tặng" cái tát để sỉ nhục ta trước mọi người thì ta khổ thật đấy. Làm
ăn bị thất bại khiến tiền bạc mất trắng ai mà chẳng đau xót, vì đó là
mồ hôi nước mắt mà ta đã chắt chiu gầy dựng suốt bao năm trời.
Nhưng từ cái đau ấy đến cái khổ vẫn còn một khoảng cách khá xa,
nếu ta biết rõ nguyên nhân thất bại và chấp nhận sự thất bại ấy như
một bài học kinh nghiệm. Và có lẽ, cái đau thống thiết nhất của nhân
sinh chính là sự chia lìa, nên thường được ví như khúc ruột cắt đứt
làm đôi (đoạn trường thương đau). Nhưng nếu ta ý thức được chuyện
hợp tan là do nhân duyên, biết đâu chia lìa lại là cơ hội để hai bên
cùng nhìn lại mình để tạo ra cái duyên mới tốt đẹp hơn trong tương
lai, thì ta sẽ không còn thấy đó là nỗi thống khổ nữa. Quả thật, đau và
khổ là hai cung bậc cảm xúc rất khác nhau.
Cuộc sống luôn có những điều hợp với ý ta nhưng lại mâu thuẫn
với suy nghĩ của người khác, hoặc thỏa mãn nhu cầu người khác
nhưng lại trái nghịch với sở thích của ta. Ngay với chính bản thân ta
cũng có lúc "sáng nắng chiều mưa" mà chính ta còn không hiểu nổi,
thì làm sao hoàn cảnh có thể làm vừa lòng ta mãi được. Có những
điều trước kia ta ghét cay ghét đắng nhưng bây giờ lại rất yêu thích;
có những thứ trước kia ta hết sức say mê nhưng bây giờ lại không
muốn nhìn tới nữa; có những vấn đề trước kia ta vốn xem thường
nhưng bây giờ lại cảm thấy quá hệ trọng. Giả sử mọi mong muốn của
ta đều thành tựu hết thì thử hỏi ta sẽ trở thành cái gì và cuộc đời này
sẽ ra sao? Vậy mà ta chỉ biết đòi hỏi, chứ không chịu suy xét nó có
thật sự đúng đắn và phù hợp với khả năng của ta và hoàn cảnh hiện
tại hay không. Rõ ràng cái khổ của ta không hẳn là cái khổ của kẻ
khác. Vì thế, hầu hết những nỗi khổ mà ta thường kêu ca chỉ là sự bất
như ý mà thôi.
Vậy thay vì than: "Tôi khổ quá!" thì ta hãy nên nói: "Nó bất như ý
với tôi quá!". Cách gọi này chính xác hơn. Nó sẽ đánh động vào ý
thức, giúp ta nhìn lại thói quen hay cách phản ứng của mình, thay vì
cứ rượt đuổi theo đối tượng khác để đổ lỗi hay trừng phạt. Từ đó, ta
sẽ nhận ra quan niệm "đời là bể khổ" chỉ là do cách nghĩ, hay chỉ là
định kiến mà thôi.
- Nghệ thuật
- Tình cảm
- Kỹ năng sống
- Mẹo hay
- Giáo dục
- Quan điểm
- Thủ công
- Nhịp điệu
- Ẩm thực
- Film
- Sự cân đối
- Spellen
- Sức khỏe
- Văn học
- Âm nhạc
- Mạng máy tính
- Thể loại khác
- Mua sắm
- Thể thao