Sòng Phẳng

0
0

Tại sao ta cứ mãi than phiền và đòi hỏi cuộc đời, mà có bao giờ
ta tự hỏi cuộc đời cần gì nơi ta?

Công bằng hay sòng phẳng?
Ở làng quê Việt Nam ngày xưa, khi làm mùa vụ, người nông dân
có thể nhờ vài người trong thôn xóm đến phụ giúp mà không phải trả
tiền. Chỉ cần đến phiên bên kia làm mùa vụ, hay sửa sang nhà cửa,
hoặc bất cứ công việc nặng nhọc nào đó, thì bên này sẽ qua phụ giúp
lại. Cái đó gọi là vần công. Cách thức này thật hay. Tuy người ta cũng
căn cứ trên số buổi hay số ngày làm để quy định mức công bằng,
nhưng họ lại không khắt khe phân biệt năng lực làm việc của mỗi
người. Thậm chí khi đang làm trả công, nếu ta bất ngờ ngã bệnh hay
gia đình có việc khẩn cấp nên ta phải ngưng làm thì họ vẫn châm
chước. Họ vẫn tính tròn phần công cho ta. Ngược lại, lỡ mùa màng
thất bát nên họ không thể trả công cho ta thì ta vẫn vui vẻ chờ mùa vụ
sau, hoặc miễn cho họ luôn cũng được. Người dân quê hiểu rằng sự
trao đổi ấy chỉ có tính tương đối, không phải hễ người kia giúp mình
và mình giúp lại là trả xong hết. Cái tình cái nghĩa vẫn còn đó, không
bao giờ trả hết được.
Thời đại văn minh bây giờ người ta quan niệm về sự công bằng
rất lạ lùng. Khi một người nào đó tận tình hướng dẫn ta vào nghề
trong những bước đầu nhiều bỡ ngỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi
cho ta trong công việc làm ăn, hay chia sẻ trong những lúc ta gặp nguy
khốn, thì ta lập tức tặng cho họ một món quà đắt tiền hoặc ta sẽ mời
họ đi ăn trong một nhà hàng sang trọng là coi như đã trả xong. Không
ai nợ ai nữa. Nhưng nếu người kia đã từng giúp đỡ ta một cách không
vụ lợi, bằng tất cả tấm chân tình, mà ta lại xem nó ngang bằng với
những món vật chất vô tri kia thì đừng hỏi tại sao họ lại bị tổn
thương. Thà ta không làm như thế còn hơn, vì họ nghĩ ta vẫn luôn gìn
giữ ân nghĩa ấy trong lòng. Món quà hay bữa ăn đó sẽ được vui vẻ
chấp nhận, nếu họ thấy được ý nghĩa của nó trong suy nghĩ và thái độ
của ta. Có người cho rằng như vậy là không sòng phẳng. Nhưng họ
vẫn chấp nhận được, dù mãi sau này ta vẫn không có cơ hội để bù

đắp. Bởi họ không có chủ trương trao đổi công bằng ngay từ buổi
đầu, nói chi là sòng phẳng.
Ý niệm sòng phẳng thường dễ bị nhầm lẫn với công bằng. Anh
được một và tôi cũng được một, hay anh cho tôi hai thì tôi cho anh
hai, đó là công bằng. Nhưng còn tùy vào mỗi xã hội và thời đại mà
quy luật công bằng sẽ được thể hiện khác nhau. Sự công bằng thường
được quy định trên mức cảm xúc. Cho nên, có khi người ta tự quy
định mức công bằng nếu hai bên tự thỏa thuận trị giá tương xứng
giữa vật trao đổi, mà không cần tuân theo quy ước chung của cộng
đồng. Thí dụ, một trái bí đao có thể đổi với hai trái mướp đắng; một
chuyến đò ngang có thể đổi với sáu câu vọng cổ; một bức tranh có thể
đổi lấy mười bầu rượu; một lời hứa chân tình có thể đổi lấy ba trăm
sáu mươi lăm ngày chờ đợi. Tuy sự trao đổi ấy được coi là công bằng,
nhưng đôi bên đều ngầm hiểu rằng người kia vì cảm tình mới chấp
nhận trao đổi như vậy, nên khi nào có cơ hội thì mình sẽ bù đắp
thêm. Trong khi sòng phẳng là loại bỏ ý niệm muốn bù đắp, trả như
thế là đủ, chấm hết.
Dĩ nhiên trong thương trường rộng lớn, người ta cần phải có sự
rành mạch về những trị giá vật chất để trao đổi, nên đã thiết lập ra
chế độ tiền tệ để đơn giản hóa và mở rộng thương mại. Vì thế, sự
sòng phẳng đã vô tình trở thành quy luật. Nhưng biết bao công lao
khổ nhọc mới làm ra được bát cơm trắng tinh mà chỉ đổi ngang với
vài đồng bạc thừa thì không thể gọi là công bằng được. Sòng phẳng lại
càng phi lý. Nên nhớ, sự trao đổi không bao giờ là tuyệt đối, tất cả chỉ
là ước lệ. Cho nên, người ta đã sai lầm khi cho rằng sự thảnh thơi,
thật thà hay nhường nhịn là những yếu tố nguy hại đến kinh tế và cần
phải loại trừ. Trong nguyên tắc vận hành tự nhiên của vũ trụ, mọi sự
mọi vật đều không ngừng nương tựa vào nhau để tồn tại. Do đó, sự
biệt lập và sòng phẳng sẽ không bao giờ xảy ra dù con người có cố
tình nhồi nặn ra nó để phục vụ cho quyền lợi ích kỷ của mình.

Làm sao trả hết những ân tình?
Có những người con thấy mình đã làm tròn bổn phận khi mỗi
tháng chu cấp đầy đủ thực phẩm và thuốc men, hoặc mua được căn
nhà khang trang cho cha mẹ. Nên khi cha mẹ cần họ thường xuyên lui
tới, hay giúp đỡ vài việc vặt vãnh thì họ lại than phiền tại sao họ phải làm quá nhiều như thế. "Cha mẹ thương con biển hồ lai láng/ Con
nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày", hai câu ca dao ấy vẫn là thực
trạng đau lòng trong bất cứ thời đại nào, nhất là hiện nay. Khi người
ta bị cuốn hút vì danh vọng, họ sẽ dễ dàng coi nhẹ hay gạt bỏ những
yếu tố khác mà họ cho là bất lợi. Nhưng được thương yêu và chăm
sóc cha mẹ chẳng phải là một quyền lợi sao? Chẳng phải có biết bao
kẻ mồ côi trong thế gian này rất thèm có cha mẹ để được thương yêu
và chăm sóc, dù phải đánh đổi bất cứ thứ gì thì họ cũng sẵn sàng chấp
nhận cả. Chắc là phải đợi đến khi ta có con, phải hy sinh vất vả trăm
bề, nhất là khi con ta đau yếu hay ngỗ nghịch, thì ta mới thấm thía hết
ân tình của cha mẹ dành cho ta. Khi đó mới thấy ý niệm "trả xong nợ
nần" cho đấng sinh thành là quá dại dột.
Trong liên hệ hôn nhân cũng vậy, ta cũng muốn có sự sòng phẳng
để ta có cảm giác không bị lợi dụng hay hy sinh một cách vô nghĩa.
Tôi làm cái này thì anh phải làm cái kia; tôi trả tiền rồi nên bây giờ tới
phiên em; tại sao tôi phải lo nhiều thứ còn anh suốt ngày cứ phè
phỡn; em chỉ biết lo cho gia đình của em thì đừng trách anh bỏ bê
công việc nhà; anh mà làm khổ tôi thì tôi sẽ làm khổ anh... Vì thế khi
hôn nhân đổ vỡ, người ta mau chóng xem nhau như hai kẻ xa lạ,
không cần biết tới sự khó khăn hiện tại của nhau. Họ từng yêu nhau
thắm thiết rồi bỗng trở thành thù ghét nhau, không muốn nhìn nhau
dù vô tình gặp mặt. Tệ đến nỗi, họ lên mặt báo để bôi nhọ danh dự
hay đơm đặt những điều gây bất lợi cho nhau. Điều đau lòng nhất là
khi phân chia tài sản, họ luôn đòi hỏi sự rạch ròi, sòng phẳng. Bao
năm tình nghĩa vợ chồng phút chốc bỗng tan thành mây khói khi ai
nấy đều muốn tranh giành phần lợi, phần phải, phần thắng về mình.
Tất cả những phản ứng trên đều thể hiện sự ích kỷ hẹp hòi, chứ
không phải là sự công bằng hợp lý. Tài sản thì có thể phân chia đồng
đều, nhưng ân tình làm sao đong đếm được mà phân chia? Tuy
chuyện tình đã đi vào đoạn kết, nhưng dù muốn dù không thì tất cả
những gì ta đã cho nhau sẽ theo nhau mãi suốt đời. Nếu ta còn nợ
quá nhiều ân tình với người này thì chắc chắn ta sẽ phải trả cho
người khác. Bởi tất cả đều nằm trong vòng nhân quả chập chùng và
hiển nhiên xưa nay của trời đất mà không ai có thể thoát được.
Chiếc lá không bao giờ nghĩ rằng nó có thể trả hết nợ ân tình của
cây, dù nó đã hết lòng hấp thụ ánh nắng mặt trời để khổ công tinh chế
nhựa thô thành nhựa luyện nuôi cây. Vì chiếc lá đã quan sát và thấy
được sự thật là nó chưa bao giờ ngừng tiếp nhận tình thương yêu củacây.

Dù cây có già cỗi, nhưng cây cũng vẫn cố gắng cắm sâu những
chiếc rễ xuống lòng đất để hút chất khoáng về nuôi chiếc lá. Giả sử
chiếc lá có trả được ân tình của cây thì nó cũng không thể nào trả hết
nổi ân tình của mặt trời, gió, nước, khoáng chất, phân hữu cơ, côn
trùng và cả vạn vật xung quanh. Tất cả những yếu tố ấy có vẻ như
nằm ngoài chiếc lá, nhưng chúng vẫn đang từng giờ từng phút nuôi
dưỡng chiếc lá. Chiếc lá chỉ còn cách sống sao cho trọn kiếp sống,
sống cho thật dễ thương và làm tốt trách nhiệm của mình. Ta có khác
gì chiếc lá đâu. Ta cũng không bao giờ trả nổi những ân tình mà cuộc
đời này đã trao tặng cho ta, bằng trực tiếp hay gián tiếp. Vậy tại sao ta
cứ mãi than phiền và đòi hỏi cuộc đời, mà có bao giờ ta tự hỏi cuộc
đời cần gì nơi ta?

Như dòng sông trôi mãi
Luôn chở nặng phù sa
Có bao giờ em hỏi
Đời cần gì nơi ta?

Love
Like
5