Giáo dục đang lạm dụng danh hiệu thủ khoa

0
0

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa công bố điểm thi, mạng xã hội đã ngập tràn các thông tin về các “thủ khoa”.
Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, mục từ “thủ khoa” được giải thích: “(từ cũ) người đỗ đầu khoa thi hương; người đỗ đầu kì thi có tính chất quốc gia”. Như vậy, trường hợp thí sinh đạt điểm cao nhất trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở Giáo dục – Đào tạo các tỉnh tổ chức không thể gọi là “thủ khoa”.

Mặt khác, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 không phải để chọn nhân tài, mà chỉ là để loại bớt những em học lực yếu do các trường công lập không thể đáp ứng được nhu cầu học tập của tất cả học sinh đã tốt nghiệp THCS.

Học sinh đỗ vào lớp 10 là bình thường. Các em làm bài đạt điểm cao trong một số môn thi cũng không có nghĩa là các em xuất sắc về môn học đó. Học hành là một quá trình, sự trưởng thành của người học, thành tựu, cống hiến, sản phẩm trong lao động mới là mục đích của giáo dục.

Do đó, việc tôn vinh danh hiệu “thủ khoa” đối với trường hợp này không những không đúng thực tế mà vô hình trung còn cổ vũ cho thói quen chạy theo thành tích, danh hiệu, điểm số.

Không ít nhà trường, gia đình rất “khát” danh hiệu. Không những lạm xưng danh hiệu “thủ khoa”, nhiều nơi còn tìm cách nhân lên danh hiệu này bằng những cách diễn giải rất lạ lùng như “thủ khoa đầu vào”, “thủ khoa đầu ra”, rồi còn tự đặt ra danh hiệu “á khoa” vốn không hề có trong khoa cử thời phong kiến.

Để đạt được danh hiệu “thủ khoa” với số điểm gần như tuyệt đối cho các môn thi, gia đình và nhà trường đã vắt kiệt sức trẻ em. Một trong những “thủ khoa” kì thi tuyển sinh lớp 10 năm nay có dáng người cao gầy, mặt hốc hác, cặp kính cận dày cộp, cho thấy em đã học hành rất vất vả, áp lực.

Để có danh hiệu thủ khoa hay học sinh giỏi toàn diện, nhiều em hoàn toàn không có tuổi thơ, không có những ngày tháng vui vẻ. Lịch kín mít chỉ có ăn và học, học nhồi nhét với lượng kiến thức hàn lâm lớn và các bài tập rất khó.

Nhiều phụ huynh cho rằng để con hạnh phúc khi trưởng thành thì chỉ có cách duy nhất là học thật giỏi. Khái niệm “giỏi” được đo bằng điểm số và các danh hiệu, giải thưởng, giải được các bài tập khó.

Do đó, họ cho rằng dù có vất vả, tốn kém đến mấy, cũng phải đạt được điểm cao nhất, giải cao nhất, danh hiệu vinh dự nhất. Còn sau đó, trẻ sẽ làm gì, cống hiến ra sao, phụ huynh và thầy cô cũng chưa nghĩ đến.

Cuộc sống không cần những người giỏi toàn diện, cái gì cũng biết nhưng không có gì thực sự nổi trội, xuất sắc. Cuộc sống chỉ cần những người xuất chúng về 1 lĩnh vực, càng chuyên sâu càng tốt và càng giỏi càng tốt. Những người này sẽ thành công, cống hiến, có ích cho xã hội và hạnh phúc.

Một số chuyên gia cho rằng giáo dục sẽ lạc lối nếu lấy thành tích, danh hiệu làm mục tiêu phấn đấu thay vì lấy sự phát triển, trưởng thành, hạnh phúc của trẻ em, thành tựu cống hiến của trẻ (trong tương lai) làm mục tiêu.

Do đó, thiết nghĩ, người lớn, xã hội không nên gây áp lực cho trẻ em bằng việc chạy theo danh hiệu, điểm số. Hãy hướng trẻ em đến sự trưởng thành, hạnh phúc và có cống hiến, thành tựu trong cuộc sống.

Search
Categories
Read More
Quan điểm
4 loại người mà những người càng có vị thế trong xã hội càng tránh xa
Nửa đời trước, chúng ta cố gắng để sở hữu được thật nhiều thứ. Nửa đời sau, chúng...
By Cùi Bắp Tiên Sinh 2021-04-17 04:22:20 0 0
Tình cảm
Thói Đời
  Cuộc đời như thước phim dàiNgười đời họ diễn, thiên tài nhập vaiBiết...
By Cùi Bắp Tiên Sinh 2021-06-09 16:06:39 1 0
Giáo dục
Áp lực tuyển sinh vào 10 khiến học sinh THCS dễ rơi vào vòng xoáy học thêm
- Có nhiều hệ lụy khi học sinh đi học thêm, cùng với đó phụ...
By Cùi Bắp Tiên Sinh 2023-06-23 06:14:15 0 0
Quan điểm
Sự giả dối, nhỏ nhen được phủ bên ngoài bởi lớp vỏ từ bi của phật pháp
    Trong xã hội...
By Cùi Bắp Tiên Sinh 2024-10-12 15:53:09 0 0
Sức khỏe
Các loại vitamin, công dụng và nguồn thức ăn chứa các loại vitamin đó
Dưới đây là danh sách các loại vitamin, công dụng chính...
By Cùi Bắp Tiên Sinh 2024-09-21 15:02:44 0 0