-
- EXPLORE
-
-
-
-
-
-
Phán Xét
Phán xét dù đúng đắn đến đâu thì nó cũng là lưỡi gươm sòng
phẳng cắt đứt tình thâm, tạo thêm sự cách biệt giữa mọi cá thể trong
cùng bản thể.
Thói quen phán xét
Có khi ta vượt hàng trăm dặm đường xa để được ngắm hoa anh
đào, nhưng khi tới nơi ta đã thất vọng vì nó không nở rộ như những
năm trước. Đi giữa rừng hoa anh đào thơ mộng mà ta không cảm
thấy thích thú và nhiệt tình ngắm từng cành hoa như bao người khác.
Nhìn hoa anh đào hiện tại ta lại tiếc nhớ đến hoa anh đào quá khứ,
nên lòng cứ dâng lên cảm giác hụt hẫng và buồn chán. Khi có người
hỏi ta năm nay hoa anh đào nở như thế nào thì ta không ngần ngại
đưa ra nhận xét: "Rất tệ! Không bằng một nửa mấy năm trước". Nếu
hoa anh đào nghe được những lời nhận xét ấy chắc nó sẽ rất buồn. Dù
năm nay nó không thể nở rộ như mọi lần, nhưng nó vẫn phải nếm
trải cái lạnh thấu xương của tiết trời mùa đông thì mới tung cánh tỏa
hương được. Nó đã cố gắng hết sức để làm tròn trách nhiệm, nhưng
nó không thể thay đổi tình trạng khí hậu theo ý của nó được.
Nhưng tại sao ta lại đòi hỏi hoa anh đào phải như thế này hay như
thế kia? Ta đã làm gì cho hoa anh đào chưa, hay chính ta đã góp phần
tàn phá môi sinh để cho khí hậu biến đổi thất thường, khiến cho hoa
đào trở nên như vậy. Lỗi tại ta hay tại hoa anh đào? Và có phải năm
nay ai ngắm hoa anh đào cũng mang tâm trạng đầy phiền muộn như
ta không?
Nhìn lại, ta thấy mình thường xuyên buông ra những lời nhận xét
vô trách nhiệm như thế. Lẽ dĩ nhiên, cuộc sống luôn cần có những
nguyên tắc hay tiêu chuẩn căn bản để tạo nên sự cân đối và bình ổn.
Nhưng đâu phải bất cứ điều gì cũng cần đưa vào tiêu chuẩn. Mà dù là
tiêu chuẩn thì nó cũng chỉ có tính tương đối, bởi nó được dựa trên
tâm thức của mỗi xã hội trong từng thời đại mà đặt ra. Không có một
tiêu chuẩn nào để ngắm hoa anh đào hay thưởng thức vẻ đẹp cả. Tất
nhiên, ta có quyền đưa ra nhận xét của riêng ta, không ai có thể kết tội
ta nếu nhận xét ấy chẳng hại gì. Nhưng chính thái độ nhận xét vô tình
ấy sẽ khiến ta đánh mất con mắt trong sáng để nhìn vào thực tại.
Không những ta không thấy được thực tại, mà ta còn phủ lên nó một
cái nhìn so sánh khi thêm vào đó thái độ yêu ghét của bản ngã. Nhận
xét để giúp nhau tiến bộ hơn, làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn, khiến
cho chúng ta gần gũi với đất trời hơn thì rất cần thiết. Nhưng sự thật
là hầu hết những lời nhận xét của ta đều từ thói quen bảo vệ quyền lợi
ích kỷ của mình mà thôi.
Từ nhận xét đến phán xét là một khoảng cách rất gần. Nhận xét
dù vẫn dựa trên nhận thức và cảm xúc của riêng mình, nhưng vẫn
chưa có tính chất ấn định lời nhận xét ấy là không thể thay đổi được
nữa như phán xét. Nhận xét có đúng sai thì phán xét cũng có đúng sai.
Và cũng như nhận xét, những lời phán xét thường để lên án hay buộc
tội kẻ khác chứ ít khi để nâng đỡ. Đối với những người được giao
quyền đại diện cho công lý, cho pháp luật thì bắt buộc họ phải đưa ra
lời phán xét đúng hay sai để giải quyết những vấn đề có ảnh hưởng
nghiêm trọng. Nhưng đó cũng là việc làm bất đắc dĩ để điều hợp xã
hội, ngăn ngừa cái sai lấn át cái đúng. Bởi sự thật, không ai có đủ tư
cách làm đại diện cho sự thanh cao hay chân lý để phán xét ai cả. Ai
cũng có những sai trái và ai cũng có tố chất thánh thiện.
Khi ta phán xét người kia, tức là ta chỉ thấy được một mặt của họ
và ấn định con người họ chỉ là như vậy mãi mãi. Dù hôm qua họ
không dễ thương, họ đã gây ra những vụng về hay lầm lỗi, nhưng
đứng trước mặt ta hôm nay là một con người mới, một tâm hồn đã
lành lặn, một cơ chế tâm thức đã chuyển hóa, thì lời phán xét kia
không còn giá trị đúng đắn nữa. Dù ta cố tình không nhìn ra và không
chấp nhận thì sự thật vẫn là như thế. Càng cố chấp vào thành kiến hay
định kiến cũ kỹ của mình thì ta càng tụt lại phía sau của đời sống. Ta
sẽ không nắm bắt được giá trị mầu nhiệm của sự sống.
Vì đời sống còn chìm trong vô tâm, nên ta thường không để ý đến
thái độ của mình khi nhìn về một đối tượng hay một vấn đề nào đó.
Mỗi khi đưa ra lời nhận xét, ta luôn kèm theo thái độ thích hay không
thích của mình. Khi có một người hỏi ta về thông tin của người kia,
nhìn vào ánh mắt tin tưởng của họ và thái độ có sẵn của ta về người
kia, nên ta không kiềm chế nổi cảm xúc muốn đưa ra lời nhận xét và
cả sự phán xét của mình. Nếu thích thì ta sẽ ca tụng hết lời, còn không
thích thì ta sẽ chê bai không thương tiếc, khiến cho người nghe có
cảm tưởng như những điều ấy hoàn toàn là sự thật. Đáng lẽ, ta hãy để
họ cảm nhận trực tiếp đối tượng mà họ muốn biết. Dù với lý do đặc
biệt nào đó mà ta cần phải cung cấp thông tin về người kia thì ta cũng
phải khách quan đưa ra những điều thật sự cần thiết và đúng đắn.
Nhưng ta không quên kèm theo lời cẩn trọng khôn ngoan: "Đó là
nhận xét của tôi, chưa chắc có đúng hay không". Nếu ta là một người
có uy tín lớn thì mỗi lời nhận xét của ta cũng có thể khiến cho người
khác mất hết niềm tin vào bản thân; một lời phán xét của ta cũng có
thể thành bản án chung thân đẩy họ vào tuyệt lộ.
Câu chuyện thiếu phụ ở Nam Xương là một bài học rất lớn. Khi
chàng Trương lên đường chinh chiến, nàng Thiết ở nhà chăm sóc đứa
con thơ dại. Đêm đêm nàng dỗ con bằng cách chỉ bóng mình trên
vách nhà phản chiếu từ ngọn đèn dầu mà bảo rằng: "Bố con đó!".
Hơn một năm sau, từ chiến trận trở về, chàng Trương vô cùng đau
khổ vì đứa bé không chịu nhận mình là bố. Nó nói: "Bố tối mới đến.
Hễ mẹ ngồi bố cũng ngồi, mẹ đi bố cũng đi theo sau". Chàng Trương
vốn tính đa nghi, nay nghe con trẻ nói như thế liền vội tin ngay. Dù
chòm xóm hết mực khuyên lơn, nhưng chàng Trương vẫn không
nghe, khăng khăng phán quyết vợ mình đã phản bội. Nàng Thiết uất
ức không biết giãi bày cùng ai nên đành nhảy xuống sông tự tử. Đêm
về, chàng Trương lại dỗ con bên ngọn đèn dầu hiu hắt, đứa bé nhìn
lên vách nhà và reo lên: "Bố đến kìa!". Chàng chợt bàng hoàng tỉnh
ngộ.
Để đừng lặp lại lầm lỡ của chàng Trương thì xin đừng để sự tự ái
hay chủ quan che khuất khả năng lắng nghe để tìm hiểu ngọn ngành
trước khi ta buông lời phán quyết.
Có chắc không?
Trong các quầy thuốc ở các nước phương Tây thường có ghi câu:
"Ngay cả khi bạn đã chắc rồi, thì cũng xin kiểm tra lại một lần nữa".
Một liều thuốc lầm lẫn có thể cướp đi mạng sống của con người trong
tích tắc. Cho nên, ta phải hết sức cẩn thận và phải có ý thức trách
nhiệm trước khi đưa ra lời phán xét có tính chất quyết định tương lai
hay số phận của kẻ khác. Dù đã nghe, đã thấy, đã nắm bằng chứng
trong tay rồi, thì ta cũng đừng vội tin chắc và phán quyết "như đinh
đóng cột". Bởi có thể đó chỉ là "động tác giả" để họ thực hiện sứ mệnh
cao cả nào đó, hay vì họ đã vượt thoát những khuôn khổ đặt để thông
thường mà vươn tới trình độ phi thường, nên ta không thể nào đoán
biết được. Vì vậy, hãy đừng quên tự dặn lòng "Có chắc không?"
, hay
"Thấy vậy chứ không phải vậy" để ta tự cho mình thêm cơ hội khám
phá, để ta vượt qua nhận thức và cảm xúc của chính mình trong hiện
tại mà luôn sống được với sự thật. Bởi cảm xúc là phản ứng của yêu
thương hay ghét bỏ, nó có thể làm lệch hướng mọi nhận xét để đưa
tới lời phán xét đầy cảm tính. Nhưng tiếc thay, thường khi nhận thức
được sáng tỏ trở lại thì đã quá muộn màng, vì thông tin và cảm xúc ấy
đã được truyền tải đi khắp nơi.
Nhà khí tượng học Edward Norton Lorenz đã đưa ra lý thuyết về
hiệu ứng cánh bướm: "Một cái đập cánh của con bướm ở Brazil có
thể tạo nên một cơn bão lớn ở Texas". Cái đập cánh của con bướm
tuy rất nhỏ, nhưng nó đã tác động dây chuyền đến các động năng
khác đáng kể hơn, nên có thể tạo ra hiệu ứng rất lớn. Theo nguyên tắc
đó, dĩ nhiên, một cái đập cánh khác cũng có thể dập tắt lại nó. Không
ai có thể ngờ rằng mọi hành vi của mình đều có thể tạo nên những
hiệu ứng vĩ đại cho kẻ khác, và đáng sợ hơn là chính nó sẽ trả lại ta
bằng một hiệu ứng lớn hơn gấp bội. Vì nó không những không biến
mất khi đã xảy ra, mà sẵn sàng chờ đợi những lực khác có cùng tần số
đưa tới để hình thành hiệu ứng khác. Không cần công nghệ thông tin,
không cần những đối tượng khác biết hay không, chỉ cần năng lượng
trong ta phát đi thì nó sẽ được truyền dẫn bởi những năng lượng có
sẵn trong vũ trụ. Có khi hiệu ứng tức thì, cũng có khi đến thế hệ con
cháu của ta mới hoàn tất hiệu ứng. Nếu ta đã vô cớ đem đến cho
người kia khối cảm xúc xấu khổng lồ qua sự phẫn nộ và khinh miệt
sai lầm của đại chúng, thì ta sẽ phải đón nhận lại "khoản nợ" ấy cộng
thêm "phần lãi" do vũ trụ gửi thêm cũng là lẽ đương nhiên.
Cho nên, nếu không được sự đồng thuận cùng chịu trách nhiệm
của đại chúng, hay không xuất phát từ tấm lòng tốt muốn giúp đỡ thì
ta đừng bao giờ buông ra năng lượng phán xét, dù trực tiếp hay gián
tiếp. Nó vừa làm tổn hại đến kẻ khác, mà cũng vừa hủy diệt mầm
sống trong chính ta. Còn khi ta chỉ mới nghi ngờ, chưa nghe chính đối
phương xác nhận, thì hãy nên khẩn trương tìm hiểu sự thật bằng cái
tâm không thành kiến để mau chóng giải tỏa năng lượng nghi ngờ ấy.
Vì nghi ngờ và phán xét là đôi bạn rất thân. Hễ nghi ngờ đã xuất hiện
thì phán xét cũng sẽ dễ dàng xuất hiện theo. Tuy vậy, lắng nghe và ái
ngữ là hai bảo bối cũng nằm ngay trong ta. Nó có thể giúp ta chặn
đứng sự hình thành thái độ phán xét và hóa giải luôn những bóng tối
nghi ngờ.
Một lần, đức Khổng Tử đang nằm đọc sách, bất ngờ đưa mắt
xuống bếp thấy Nhan Hồi lấy đũa xới cơm cho vào tay, nắm lại từng
nắm nhỏ rồi đưa lên miệng. Đức Khổng Tử thở dài mà than rằng:
"Chao ôi! Học trò thân tín nhất của ta mà lại ăn vụng thầy, vụng bạn,
đốn mạt đến thế này ư?". Khi các học trò quây quần lại chuẩn bị dùng
cơm, đức Khổng Tử nói rằng: "Các con ơi! Chúng ta đi từ Lỗ sang Tề
đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc đói khổ
như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, một dạ
theo thầy và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Hôm nay thầy trò chúng
ta may mắn có được bữa cơm, thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương,
nhớ ơn cha mẹ thầy. Cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng
cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?". Các học trò đều chắp tay
thưa: "Dạ thưa thầy, nên ạ!". Chỉ riêng Nhan Hồi vẫn đứng im.
Đức Khổng Tử lại nói: "Nhưng không biết nồi cơm này có sạch
hay không?". Các học trò không rõ ý thầy nên ngơ ngác nhìn nhau.
Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: "Dạ thưa thầy, nồi cơm này
không được sạch. Vì khi con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều
chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi
xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng
không kịp. Sau đó con đã xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi. Nhưng con
lại nghĩ cơm thì ít mà anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì sẽ
mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã
mạn phép thầy và tất cả anh em ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần
cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em. Như vậy là hôm nay con đã
ăn cơm rồi, bây giờ con xin phép chỉ ăn phần rau thôi. Và thưa thầy,
nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!".
Nghe Nhan Hồi nói xong, đức Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà
than rằng: "Chao ôi, thế ra trên đời này có những việc chính mắt
mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu đúng sự thật. Chao ôi!
Suýt chút nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ mất rồi!".
Phán xét dù đúng đắn đến đâu thì nó cũng là lưỡi gươm sòng
phẳng cắt đứt tình thâm, tạo thêm sự cách biệt giữa mọi cá thể trong
cùng bản thể. Cho nên, ta hãy cố gắng thực tập cho mình thói quen
nhận diện đơn thuần - nhìn thực tại như chính nó đang là - để buông
bỏ bớt những nhận xét phân biệt không cần thiết. Hãy thay thế thói
quen phán xét bằng những lời góp ý chân thành để ta luôn tạo cho
nhau cơ hội được hoàn thiện hơn.
Tâm ý đã mệt nhoài
Thương ghét mãi chưa nguôi
Dừng nói năng phân biệt
Ta tìm về ta thôi.
Ái ngữ thật nhiệm mầu
Tiếp năng lượng cho nhau
Như cam lồ tịnh thủy
Xoa dịu những niềm đau.
- Nghệ thuật
- Tình cảm
- Kỹ năng sống
- Mẹo hay
- Giáo dục
- Quan điểm
- Thủ công
- Nhịp điệu
- Ẩm thực
- Film
- Sự cân đối
- Spellen
- Sức khỏe
- Văn học
- Âm nhạc
- Mạng máy tính
- Thể loại khác
- Mua sắm
- Thể thao