Áp lực tuyển sinh vào 10 khiến học sinh THCS dễ rơi vào vòng xoáy học thêm

0
0
- Có nhiều hệ lụy khi học sinh đi học thêm, cùng với đó phụ huynh phải đầu tư học tập cho con em mình ngày càng cao nhưng họ đâu có lựa chọn khác.

Trong tháng 6, các địa phương đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10. Thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố điểm thi vào 10 và điểm trúng tuyển của các trường trung học phổ thông. Không khó để nhận ra áp lực đối với từng thí sinh dự thi, sự kỳ vọng của phụ huynh đối với kỳ thi này. Đặc biệt, áp lực càng nhiều hơn đối với những thí sinh ở khu vực đô thị vì tính cạnh tranh nhiều do tỉ lệ tuyển vào thấp hơn so với số lượng thí sinh đăng ký dự thi.

Một khi tỉ lệ chọi lớn sẽ đẩy chất lượng đầu vào của nhiều trường trung học phổ thông công lập cao theo nhưng phía sau nó cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Đó là việc học sinh phải học thêm nhiều và phải có sự đầu tư về thời gian, tiền bạc trong nhiều năm liên tục.

Phụ huynh này đầu tư cho con học thêm kéo theo phụ huynh khác cũng phải theo. Vì thế, chúng ta thấy rằng mấy năm dịch bệnh vừa qua, kinh tế có khó khăn nhưng nhiều gia đình vẫn sẵn sàng dành một khoản riêng cho con đi học thêm như thường với mức học phí không hề thấp. Thời điểm cách ly vì dịch bệnh, học sinh vẫn tham gia học thêm online một cách miệt mài.

Áp lực tuyển sinh vào 10 khiến học sinh THCS dễ rơi vào vòng xoáy học thêm ảnh 1

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Học phí cả năm ở trường công lập chỉ bằng một phần rất nhỏ so với học thêm

Một phụ huynh đang sống tại một thành phố nhỏ phía Nam chia sẻ với chúng tôi rằng, năm nay con anh thi vào lớp 10 công lập. Suốt năm lớp 9, học phí ở trường của con anh được nhà trường thu ở mức 540.000 đồng (60.000 đồng/ 1 tháng). Mức học phí này là cao nhất so với các địa bàn khác trong tỉnh. Bởi vì, con anh học ở khu vực thành phố.

Thế nhưng, chỉ riêng tiền học thêm môn Toán, phụ huynh đã phải đóng cho thầy 5.500.000 đồng cho 11 tháng (học thêm từ đầu tháng 7/2022 đến hết tháng 5/2023, tổng 11 tháng). Học phí học thêm đóng theo tháng, bất kể tháng có lễ, tết hay không. Mỗi tháng là 500.000 đồng đều như vắt chanh vậy.

Trong khi, học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 đâu chỉ có riêng môn Toán mà còn có cả môn Tiếng Anh, Ngữ văn và học sinh thi môn chuyên còn có thêm môn thứ tư nữa.

Vì thế, chỉ cần học thêm các môn thi tuyển sinh 10 thì cả năm cũng phải đóng tiền phí học thêm dao động từ 15-20 triệu đồng. Số tiền này nếu so với mức thu nhập của một bộ phận phụ huynh không có công việc ổn định sẽ là không hề nhỏ.

Nếu tính đầu tư cho việc học thêm từ lớp 6 cho đến hết năm lớp 9 đối với các môn thi tuyển sinh 10, gia đình cũng đã tốn kém trên dưới 50 triệu đồng.

Không ai bắt các em phải học thêm nhưng nếu không học thêm ở nhà thầy cô hoặc các trung tâm gia sư, trẻ sẽ thua thiệt với bạn bè trong lớp, cơ hội đậu vào tuyển sinh sẽ thấp và mong manh hơn.

Những chia sẻ của phụ huynh trên cho thấy một thực tế về bức tranh học thêm hiện nay đang khiến các gia đình phải đầu tư nhiều hơn qua từng năm, nhất là đối với những gia đình có con em học lớp cuối cấp.

Nếu so sánh, học phí ở trường sẽ thấp hơn rất nhiều so với số tiền học thêm các môn. Nhưng thi tuyển sinh 10 ở khu vực thành thị mà không học thêm là không được vì thi tuyển đầu vào của các trường trung học phổ thông công lập ở khu vực này cũng có tỉ lệ chọi rất cao.

Việc học chính khóa ở trên lớp, cho dù giáo viên có nhiệt huyết bao nhiêu thì thầy cô cũng chỉ dạy những kiến thức cơ bản và lý thuyết của bài học. Bởi thời gian trên lớp không có nhiều để giải các bài tập, giải đề thi. Vì vậy, học sinh phải đến các lớp học thêm mới tường tận và chuyên sâu kiến thức được.

Vì vậy, phụ huynh nào cũng phải đành chấp nhận tốn kém và họ thừa hiểu học thêm nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của con em mình.

Thế nhưng, nếu muốn con đậu vào các trường công lập kha khá trở lên thuộc khu vực thành phố, thị xã thì phụ huynh phải cho con học thêm vì các trường này thường có tỉ lệ chọi cao hơn các khu vực còn lại của các địa phương. Không đi học thêm, cơ hội đậu sẽ thấp.

Không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện cho con học các trường ngoài công lập

Thực tế cho thấy, áp lực kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương ngày một lớn hơn, nhất là những khu vực thị thành, vùng có điều kiện về kinh tế. Đơn cử như kỳ thi tuyển sinh của Thành phố Hà Nội vừa diễn ra.

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập năm học 2023-2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp.

Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở, số lượng học sinh và tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố như sau: tuyển sinh vào trường Trung học phổ thông khoảng 102.000 học sinh (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023); trong đó tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023), chiếm tỷ lệ 55,7%. [1]

Mặc dù hiện nay Thành phố Hà Nội và các thành phố, thị xã khác đều có hệ thống các trường trung học phổ thông ngoài công lập được đầu tư hiện đại, môi trường học tập rất tốt nhưng nhiều phụ huynh vẫn mong muốn con mình đậu và học ở các trường công lập.

Bởi lẽ, đi kèm với những điều kiện, môi trường học tập tốt của nhiều trường ngoài công lập là chi phí học tập hàng tháng mà phụ huynh phải chi trả cho nhà trường cao hơn nhiều lần so với các trường công lập.

Trong khi, điều kiện kinh tế của nhiều phụ huynh bây giờ chưa thực sự dư dả, nhiều phụ huynh còn khó khăn, thu nhập hàng tháng bấp bênh. Vì thế, đa phần phụ huynh đều lựa chọn phương án 1 là thi vào các trường trung học phổ thông công lập để giảm chi phí học tập.

Một khi nhiều phụ huynh, học sinh hướng vào các trường trung học phổ thông công lập cũng đồng nghĩa tỉ lệ chọi của các trường sẽ cao lên và cơ hội đậu sẽ giảm bớt. Vì thế, muốn con mình đậu vào các trường công lập thì bắt buộc phải cho con đi học thêm để đậu đầu vào.

Khi học sinh đi học thêm nhiều thì mức học phí học thêm sẽ được nhích dần qua từng năm, nhất là đối với những thầy cô ôn thi có tiếng là giỏi. Vòng tròn áp lực khiến cho đa số học sinh lớp 9 ở đều chọn đi học thêm từ năm này sang năm khác.

Có rất nhiều hệ lụy cho học sinh từ chuyện học thêm, cùng với việc phụ huynh phải đầu tư học tập cho con em mình ngày càng cao nhưng họ nào có lựa chọn nào tốt hơn. Vòng xoáy học thêm của học sinh cũng vì thế mà càng ngày càng căng thẳng và áp lực hơn.